Trong một bữa ăn, tớ và vợ nói chuyện về chủ đề Ly hôn, Quản lý nhân sự và Đối thoại, nó có điểm chung mà cả hai đứa phải gật gù đồng thuận.
Thật ra, không chỉ Ly hôn hay Quản lý nhân sự, mà còn rất nhiều điều khác trong xã hội và cuộc sống này, vận hành mà thiếu đi Đối thoại, thì đều có hại, thậm chí thay đổi hẳn cả cuộc đời trong đó có thể kể tới: Gia đình, Mối quan hệ bạn bè, Con cái… nói chung là cái gì là giữa con người với con người.
Đối thoại luôn là chìa khoá để có sự thấu hiểu, tránh gây những hiểu nhầm không đáng có, xây dựng tốt hơn mối quan hệ đang có và củng cố nó.
Trong hôn nhân, đối thoại giúp xây dựng một mối quan hệ tôn trọng, bền chặt, xây dựng và tin tưởng nhau.
Trong Quản lý nhân sự, nếu sếp chia sẻ, lắng nghe và sẵn sàng tạo cơ hội cho nhân viên, đồng nghiệp thì tinh thần chung, văn hoá doanh nghiệp, văn hoá đội nhóm được xây dựng, cải thiện và bền chặt.
Trong Mối quan hệ con cái – cha mẹ, nếu đối thoại đủ tốt, người con sẽ luôn an tâm chia sẻ cho bố mẹ, chúng ta hiểu con cái và trao đi sự tin tưởng, từ đó định hướng con đúng với mong muốn, sở thích, đam mê và con mình sẽ được vui vẻ.
DÙNG CÂU HỎI QUYỀN NĂNG ĐỂ THỬ
Nếu bạn chưa từng hỏi:
– Em cảm nhận thấy anh yêu em như thế nào? Em có thể kể những điều mà em nghĩ rằng đó là anh quan tâm em và làm em cảm động cho anh nghe được không?
– Con nghĩ bố mẹ yêu thương con không? Kể cho bố mẹ vài việc mà con cảm thấy thích nhất khi bố mẹ quan tâm con nào?
– Em thấy anh ( sếp nỏi nhân viên / đồng nghiệp ) có quan tâm và tạo điều kiện cho em không? Em có thể kể anh nghe vài việc được không?
Nếu các bạn nhận được vài câu trả lời chung chung, hoặc họ không trả lời được? Hãy coi chừng, có lẽ bạn đã quá tự tin vào “cái mà bạn cho rằng đã quan tâm” mà không để ý rằng, họ – những người mà bạn quan tâm lại KHÔNG cảm nhận được. Vậy tức là bạn đã lãng phí thời gian, công sức làm sai cách, sai việc rồi còn đâu?
Hãy luôn hỏi để chắc rằng, bạn đang đi đúng hướng: Có sự quan tâm, đối thoại kịp thời và người cần nghe, cần cảm nhận được, họ cảm nhận đúng cái bạn muốn truyền đạt.
ÁP DỤNG ĐỐI THOẠI: TÔI ĐÃ THUYẾT PHỤC BỐ ĐỒNG Ý ĐỂ VỢ CHỒNG TỚ ĐI Ở XA
Nếu bạn nghĩ rằng, bạn có 1 công việc ổn định, thu nhập ở mức khá ổn ( trên 40 triệu/tháng ) hoặc có đôi chút được người khác thừa nhận… là đủ với các bậc mẫu thân thì xin thưa: Chưa chắc. Mỗi người sẽ có 1 tư duy, suy nghĩ khác nhau mà chỉ có Đối thoại thì bạn mới có thể hiểu được. Với bố tớ, kể cả đã 32 tuổi, xây mấy trăm cái trường, nuôi vài chục nghìn em học sinh bản cao, kiếm mấy trăm tỉ gây quỹ, Thủ tướng khen thưởng thì vẫn là…chưa trưởng thành. Mãi tớ mới dò được tâm lý của bố: “Phải biết suy nghĩ, lo cho các cháu, từ công ăn việc làm, cuộc sống”…thì mới là trưởng thành. Chỉ có thế bạn mới có thể ” Tìm được bài toán đúng” và mới có lời giải đúng.
Thêm nữa, khi tớ lấy dẫn chứng rằng, đa số các em ở trong họ hàng, người vợ chưa có cơ hội vượt ra khỏi cái ao làng, chưa được ra các thành phố lớn, đi đây đó, gặp gỡ nhiều người… là một thiệt thòi và điều này khiến cho các cháu chưa được tiếp cận sự giáo dục lý tưởng, từ đó một thế hệ cháu…còn nhiều hạn chế, mà cái này bố tớ nhìn thấy. Ngược lại, những người vợ của các em được học hành, tiếp cận nhiều người và nhiều tư duy thì những đứa trẻ lại vượt bậc về mọi mặt: Tư duy lanh lợi, ăn nói, giao tiếp, thần thái khác hẳn… may mắn là họ nhà tớ đầy đủ các Case-Study này để tớ không phải giải thích nhiều. Và thế là tớ đã đối thoại thành công và vợ chồng tớ được tiếp tục đi ở xa, vào Khánh Hoà, tìm về một vùng biển vắng sau khi đã vào HCM định cư hơn 1 năm.
Đối thoại, là cả 1 nghệ thuật, từ việc dám bắt chuyện, lắng nghe, phản hồi, từ tâm thế, thái độ, ngôn ngữ hình thể, môi trường giao tiếp, khung cảnh giao tiếp, góc nhìn tiếp xúc, âm lượng nói chuyện…đều cần có sự chuẩn bị để đối phương thấy sự tôn trọng, thiện chí của bạn, google thêm đi nhé bạn mình.
Hôm nay, dừng ở tư duy, nhận thức về vấn đề vậy thôi.